Cùng chặng đường 2 thập kỷ phát triển mạnh mẽ và gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của người Tràng An thanh lịch, Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế của mình xứng đáng với danh hiệu cao quý này. Hà Nội nơi từng trải qua nhiều đau thương của hàng chục năm chiến tranh, nhưng với sự chuyển mình trên mọi mặt và vươn lên mạnh mẽ, những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển của Thủ đô đã khơi dậy khát vọng, truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam và nguyện ước đó đã được quốc tế ghi nhận.Tự hào khi Hà Nội cũng là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình". Sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đã nhân lên niềm tự hào của nhân dân Thủ đô, thúc đẩy thành phố nghìn năm tuổi tiếp tục gìn giữ những truyền thống, bản sắc văn hóa quý báu và vững bước trên con đường phát triển. Thành phố vì Hòa Bình được ghi nhận là thành phố có thành tích tiêu biểu về hoạt động trong các lĩnh vực tương đương với 4 tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.
Tiêu chí sự bình đẳng trong cộng đồng là việc đối xử công bằng đối với mọi thành viên trong cộng đồng không phân biệt người giàu, người nghèo; không phân biệt vùng phát triển hay không phát triển… mọi thành phần trong cộng đồng đều được thụ hưởng những điều kiện thiết yếu về vật chất hay tinh thần để đảm bảo những quyền cơ bản của con người. Đây là một tiêu chí quan trọng đối với một Thành phố vì hòa bình bởi nó là mắt xích làm gắn kết mỗi thành viên trong một cộng đồng góp phần tạo nên một cộng đồng lành mạnh vững chắc, hạn chế đến mức thấp nhất những mâu thuẫn phát sinh do việc mất cân bằng về các điều kiện vật chất hoặc tinh thần trong một cộng đồng. Trong Thành phố vì hòa bình đó mọi người dân không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giai cấp đều được bình đẳng và hưởng mọi quyền lợi căn bản như nhau. Mọi người nghèo, người yếu thế đều được quan tâm và giúp đỡ. Các hoạt động từ thiện tương thân tương ái góp phần thực hiện tiêu chí Bình đẳng trong cộng đồng.
Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm chăm lo tốt nhất cho người dân, đặc biệt là những hộ nghèo. Nếu như năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố theo chuẩn mới là 8,43% thì năm 2018 chỉ còn 1,16%, về đích trước hai năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đề ra.
Tự hào được sống trong một Thành phố vì Hòa Bình, mỗi tổ chức, mỗi công dân Thủ đô dù công tác trên lĩnh vực nào cũng tự nhận thấy mình cần có trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng Thành phố vì Hòa Bình.
Là một tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo, phát huy truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc, trong những năm qua Hội Chữ thập đỏ Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp đỡ cho những người nghèo, những người dễ bị tổn thương, cùng với các cấp, các ngành của Thành phố góp phần thực hiện tốt tiêu chí "Bình đẳng trong cộng đồng".
Thực hiện chủ trương của Thành phố không để người nghèo bị bỏ lại phía sau, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Chữ thập đỏ Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình, cuộc vận động thiết thực để chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, người dễ bị tổn thương như: Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", chương trình "Ngân hàng bò", phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", phong trào "Hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo"... theo đó đã có hàng trăm ngàn gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, người dễ bị tổn thương được hỗ trợ về nhà ở, được tặng bò sinh sản, được hỗ trợ phương tiện sản xuất kinh doanh, được đào tạo nghề miễn phí, được tặng quà nhân các dịp lễ, tết...các em học sinh nghèo được đỡ đầu thường xuyên, trao tặng sách vở, xe đạp để đến trường đảm bảo không có học sinh nào không được đến trường vì hoàn cảnh khó khăn, các bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện được tặng bữa ăn, được hỗ trợ chi phí điều trị; người dân khi gặp thiên tai, thảm họa như bão lũ, hỏa hoạn, tai nạn giao thông đều được kịp thời quan tâm cứu trợ, hỗ trợ để vượt qua khó khăn...
Các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn thành phố luôn được tổ chức một cách công bằng, đúng đối tượng, không phân biệt họ là ai, là người dân tộc nào, tôn giáo nào, từ đâu đến nếu họ gặp khó khăn là sẽ nhận được sự giúp đỡ. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo từ thành phố tới cơ sở cùng với các cấp Hội tới thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo trong những dip lễ, tết hay kịp thời có mặt giúp đỡ người dân khi gặp thiên tai, thảm họa, hay sẵn sàng tham gia hiến máu để cứu giúp những bệnh nhân là những hình ảnh đươc người dân ghi nhận và trân trọng. Từ những hoạt động nhân đạo, từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Thành phố đã lan tỏa ra khắp cộng đồng và lôi cuốn nhiều người, nhiều gia đình, nhiều tổ chức cùng tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ mọi người. Cùng với đó hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp nhiều nghĩa cử cao đẹp khác trên đường phố như hình ảnh cụ già sửa xe đạp miễn phí cho học sinh, tiệm cắt tóc miễn phí cho người nghèo, những bếp ăn từ thiện, nhưng bình nước uống miễn phí, những điểm hiến máu tình nguyện...tất cả đã tạo nên một bức tranh đẹp về con người Hà Nội Thanh lịch, văn minh, nhân ái, nghĩa tình.
Các hoạt động nhân đạo từ thiện đã giúp cho những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được đối xử một cách công bằng, được vơi đi những khó khăn, có thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống. Khi những hoạt động từ thiện tương thân tương ái ngày càng được phát triển sâu rộng khoảng cách bất bình đẳng sẽ dần được thu hẹp. Khi con người trong xã hội khi mở lòng với nhau hơn, biết giúp đỡ lẫn nhau sẽ hạn chế tối đa những mâu thuẫn nảy sinh và khi những quyền lợi cơ bản của mỗi con người được đảm bảo, xã hội ổn định tạo điều kiện cho kinh tế và xã hội ngày càng phát triển.
Nhân đạo là thước đo của sự tiến bộ xã hội, sự bình đẳng trong cộng đồng sẽ được xây dựng dựa trên việc mỗi người dân nhận thức rõ vai trò của cá nhân mình đối với cộng đồng. Mỗi người dân Hà Nội cần không ngừng cố gắng và nỗ lực hơn nữa để Thành phố mãi xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Mỗi cá nhân trong cộng đồng chính là những mắt xích nhỏ trong hành trình lan tỏa những giá trị nhân đạo, "truyền thống tương thân tương ái" để kết nối mọi người, để thu hẹp khoảng cách, để khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sự lan tỏa những giá trị nhân đạo sẽ gắn kết cả cộng đồng tạo nên khối thống nhất chung vững mạnh, tạo dựng sự bình đẳng trong cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ Thành phố xin nhận cho mình sứ mệnh tiếp tục lan tỏa các giá trị nhân đạo, vận động nhiều hơn nữa các tổ chức, các nhà hảo tâm cùng chung tay tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện với phương châm "Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi", không để người nghèo, người dễ bị tổn thương bị bỏ lại phía sau, thực hiện tốt bình đẳng trong cộng đồng, góp phần cùng các cấp, các ngành tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình.