Như nhắc nhở chúng ta, hãy ghi lòng tạc dạ

Thứ hai - 27/06/2022 09:13
Tháng 7 về luôn gợi nhớ trong mỗi người dân Việt Nam một niềm cảm xúc vô tận về "những bài ca không bao giờ quên”, về những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Đất nước ta trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn thất của nó để lại không có gì có thể đo đếm được. Có lẽ Việt Nam là một dân tộc hiếm hoi trên thế giới mà trong lịch sử dựng nước và giữ nước phải trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh giành lại độc lập và bảo vệ độc lập. Mỗi cuộc chiến tranh đó đều có những sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là gây cho dân tộc ta nhiều đau thương, mất mát. Và cũng vì vậy, có lẽ không ở đâu như trên đất nước Việt Nam này, đi đâu chúng ta cũng gặp nghĩa trang liệt sỹ. Làng nào, xã nào, huyện nào cũng có nghĩa trang, trong đó ngay ở tỉnh Quảng Trị có cả 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9. Và hầu như trong mỗi gia đình Việt Nam, hầu như nhà nào, dòng họ nào cũng có người ra trận, có thương bệnh binh, cũng có người hy sinh.
 
56440466
Một đất nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, hàng vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng trăm Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và rất nhiều công trình tượng đài, phù điêu khắc tạc những người anh hùng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng là quá đủ để khẳng định một giá trị của một dân tộc.

Tháng bảy nhắc nhớ, gợi về, đó cũng là tâm trạng của những cựu binh khi thăm lại chiến trường xưa hay khi gặp mặt đồng chí, đồng đội cũ...Những lần đến viếng các anh hùng liệt sỹ là từng ấy lần không thể không rơi lệ, giọt nước mắt để tưởng nhớ về những người đã quên mình để bảo vệ cho Tổ quốc. Thương lắm khi trên đất nước này thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Thương lắm, những cánh thư viết vội cho người thân của các anh chưa tìm được địa chỉ…. Họ là những “nốt trầm mãi xao xuyến" trong bản hòa ca chung của đất nước. Họ góp những "mùa xuân nho nhỏ" để làm thành mùa xuân lớn của dân tộc. 
 
22062022 tranhcodong kyniem75namngaythuongbinhlietsi 35
 75 năm đi qua là 75 mùa tri ân, ngày 27/7- một ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Xin trích dẫn lời bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến - Thơ Nguyễn Đức Mậu:
“Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo...”

Như nhắc nhở chúng ta, hãy ghi lòng tạc dạ về những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ. Họ đã trở thành những bông hoa, những tượng đài bất tử sống mãi với dân tộc để thế hệ hôm nay thấy phải sống, chiến đấu, lao động, cống hiến góp phần xây dựng quê hương sao cho xứng đáng.

Tác giả bài viết: Thuỳ Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây