Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ

Thứ hai - 18/05/2020 10:14
Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ
Trên 50 năm nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác Hồ, GS. TS. Triết học Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực đã kể hàng nghìn câu chuyện về Bác...nhưng mỗi câu chuyện đều mang một cảm xúc khác nhau, khiến cho người nghe vô cùng xúc động.
Trong cuộc trò chuyện, GS. Hoàng Chí Bảo liên tục nhấn mạnh đến việc, khi nói về Hồ Chí Minh, chúng ta hãy nhìn Bác như một con người của cuộc sống đời thường, dù Bác là thánh nhân, lãnh tụ.

Ví dụ như chuyện Bác “đòi” nhuận bút báo Nhân Dân. Bác viết hàng nghìn bài báo cho báo Đảng, nhưng chúng ta vì ngưỡng mộ Bác, thần thánh Bác quá nên ngại chuyện trả tiền cho Bác. Hồi bấy giờ là những năm 60, Bác gọi điện thẳng cho Tổng biên tập báo Nhân dân rồi hỏi rất hồn nhiên: “Thế chú quên Bác rồi à? Bác viết cho các chú nhiều như thế mà không trả nhuận bút cho Bác là thế nào?”… Rồi ông Tổng Biên tập vội vàng xin lỗi Bác: “Cháu xin lỗi Bác, Bác tha lỗi cho chúng cháu. Nhưng ngày nào anh em chúng cháu cũng nhắc nhau là Bác Hồ của chúng ta vĩ đại lắm, Bác không biết tiêu tiền đâu”. Bác cười: “Sao chú lại nghĩ vậy? Bác có vĩ đại gì đâu. Bác cũng bình thường như chú, như mọi người thôi. Thôi trả tiền cho Bác đi”.

GS. Hoàng Chí Bảo nói, cốt lõi câu chuyện “đòi tiền” của Bác ở đây chỉ là cái cớ, cái sâu xa là đằng sau câu chuyện đó, Bác muốn nhắn nhủ với chúng ta một bài học đạo đức. Bác đã nói với Tổng biên tập báo Nhân dân rằng: “Thôi, dù sao chú cũng xin lỗi rồi nên Bác cho qua, nhưng Bác dặn các chú một câu, với dân các chú không được thế”. Đó mới là cái đích việc “đòi tiền” của Bác. Bác muốn truyền thông điệp phải trọng dân, kính dân, làm việc tốt cho dân, đừng làm việc gì trái ý dân.

GS. Hoàng Chí Bảo cho biết, khi còn sống, sáng nào Bác cũng đọc báo và rất chuyên tâm mục “Người tốt việc tốt”. Bác dùng bút chì xanh đỏ gạch dưới tất cả những tấm gương ấy rồi gọi cho Tổng biên tập các báo hỏi: “Các chú đưa tin có đúng không để Bác tặng huy hiệu?”. Bác nói, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp, suốt 10 năm cuối đời Bác thưởng 6.000 huy hiệu Người tốt việc tốt.

Đặc biệt, cảm động rơi nước mắt là những câu chuyện bên giường bệnh và những giây phút cuối đời của Người. “Bác ra đi đúng vào ngày Quốc khánh, ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày khai sinh ra đất nước. Đây có thể là ngẫu nhiên, nhưng riêng với Bác, đây là cả một nỗ lực rất lớn, vượt qua đau đớn để cố chờ dân trong ngày Quốc khánh rồi mới đi”, ông Bảo nói và kể về những ngày tháng cuối cùng của Bác: “Trước phút lâm chung, Bác không nói được nữa, đưa mắt nhìn tất cả mọi người âu yếm như một lời vĩnh biệt. Bác nhìn rất lâu vào ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác, theo Bác suốt từ những ngày ở chiến khu Việt Bắc, cùng chia ngọt sẻ bùi với Bác. Như hiểu ý Bác, ông Vũ Kỳ vừa đi vừa khóc, chạy lên đầu giường nơi Bác nằm rồi quỳ xuống. Bác hôn lên trán ông Vũ Kỳ rất lâu rồi tắt thở”.

Bác ra đi rồi, nhưng mọi người vẫn nhớ những khoảnh khắc lúc ốm nặng, khi bệnh tật, Bác vẫn hỏi: “Miền Nam hôm nay thắng ở đâu? Đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không?”, “Sắp đến ngày khai giảng, đã chuẩn bị trường lớp, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?”... Như vậy, để thấy trong những giờ phút đau đớn nhất vì bệnh tật, Bác vẫn nghĩ đến tất cả mọi người trong trái tim mênh mông của mình, và quên bản thân mình đi.

“Tôi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, để tìm hiểu về những câu chuyện, những triết lý sống của Người. Và tôi cũng luôn tự nhắc mình rằng, chỉ khi nào tự mình thuyết phục được chính mình mới có thể thuyết phục được người khác. Điều đó đem đến cho tôi nhiều động lực mỗi khi bắt đầu một buổi nói chuyện về Bác Hồ”, ông Bảo xúc động chia sẻ.
 
Một số ảnh tư liệu về Bác:
 
Hồ Chủ tịch tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây 1958
Hồ Chủ tịch tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây năm 1958
 
Từ chiếc máy đánh chữ của Người đã ra đời nhiều văn kiện liên quan đến vận mệnh đất nước
Từ chiếc máy đánh chữ của Người đã ra đời nhiều văn kiện liên quan đến vận mệnh đất nước.
 
Thăm đền Hùng, Hồ Chủ tịch nói với các chiến sĩ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước
Thăm đền Hùng, Hồ Chủ tịch nói với các chiến sĩ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước

Tác giả bài viết: Thùy Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây