Có lẽ Việt Nam là một quốc gia dân tộc hiếm hoi trên thế giới mà trong lịch sử dựng nước và giữ nước phải trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh giành lại độc lập và bảo vệ độc lập chống các thế lực xâm lược ngoại bang đến từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ.
Mỗi cuộc chiến tranh đó đều có những sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là gây cho dân tộc ta nhiều đau thương, mất mát. Và cũng vì vậy, có lẽ không ở đâu như trên đất nước Việt Nam này, đi đâu chúng ta cũng gặp nghĩa trang liệt sỹ. Làng nào, xã nào, huyện nào cũng có nghĩa trang, trong đó ngay ở tỉnh Quảng Trị có cả 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9. Và hầu như trong mỗi gia đình Việt Nam, hầu như nhà nào, dòng họ nào cũng có người ra trận, có thương bệnh binh, cũng có người hy sinh.
Một đất nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, hàng vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng trăm Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và rất nhiều công trình tượng đài, phù điêu khắc tạc những người anh hùng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng là quá đủ để khẳng định một giá trị của một dân tộc.
Giữa những ngày bình yên trong cuộc sống hôm nay, những ngày tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho đất nước. Để có được nền hòa bình hôm nay, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, có được những nụ cười, ....Tất cả những điều có được ấy là phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng xương bằng máu của các thế hệ cha ông đi trước. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc như anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...”
Rất nhiều năm qua, cứ dịp đến tháng 7, các đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và các tổ chức đoàn thể các địa phương lại cùng nhau hành hương về với Quảng Trị yêu thương. Những nén tâm hương, những ngọn nến lung linh được thắp lên trên nhiều tượng đài, nghĩa trang liệt sỹ. Những vòng hoa đỏ được thả xuống dòng Thạch Hãn, sông Bến Hải trong những tiếng nấc nghẹn ngào của đồng đội năm xưa. Đó là đạo lý, là lẽ sống của những người còn may mắn sống sót sau cuộc chiến dù có thể nhiều vết thương, bệnh tật từ chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể họ mỗi khi trái gió, trở trời.
Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam - một ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên.